Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Dạy trẻ thông minh

 Trẻ có kỹ năng sống tốt sẽ thích nghi và tiếp thu mọi một cách nhanh chóng, hòa nhập tốt hơn rất nhiều so với những bé thiếu kỹ năng sống. Điều này có nghĩa là nếu được kích thích và xây dựng kỹ năng sống càng tốt, thì sự phát triển và thành công sau này của trẻ càng lớn.
Việc bao bọc con quá mức, thay con làm mọi việc hay bắt con học nhiều, tự chơi tại nhà mà không cho ra ngoài tiếp xúc với bạn bè trang lứa... sẽ khiến bé thiếu kỹ năng sống, ảnh hưởng đến việc học hỏi, khám phá thế giới xung quanh và không biết ứng xử trong từng tình huống cụ thể... Từ đó, cha mẹ vô tình đã tạo ra những “đứa trẻ không chịu lớn” ngay cả khi chúng đã lập gia đình, đã trở thành người chồng, người vợ, người cha, người mẹ “trẻ con” gây phiền toái cho mọi người khi họ thường xuyên thất bại trong cuộc sống.
Vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cần được thực hiện ngay từ độ tuổi nhà trẻ và phù hợp với từng giai đoạn thông qua các hoạt động vui chơi thông minh, ngôn ngữ thông minh, âm nhạc thông minh…
Trong những năm đầu đời, trẻ khám phá thế giới xung quanh thông qua việc tập sử dụng các đồ vật để thao tác đúng với chức năng và phương thức, từ đó biết phối hợp một cách sáng tạo để chơi với đồ vật. Ở tuổi này, bé đã có thể tập kỹ năng tự phục vụ cho mình như cầm ly uống nước, tự cầm muỗng xúc ăn, tự mang dép… Song song, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để gần gũi và chăm sóc cho thiên thần nhỏ của mình, tập cho bé nói chuyện và giao tiếp. Dù chưa nói được nhưng việc trò chuyện, giao tiếp và đọc sách chính sẽ giúp trẻ thấm dần ngôn ngữ, từ việc lắng nghe, nhận biết, cách để phát triển trí thông minh ngôn ngữ một cách hiệu quả.
Nếu có điều kiện, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc ngay từ trong bụng mẹ. Khi nghe cùng một lúc các tiết tấu âm thanh cao thấp với nhiều cường độ khác nhau, trí não của bé sẽ vận động nhiều hơn. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu và xử lý các tình huống nhanh hơn khi lớn lên.
Đến tuổi mẫu giáo, thông qua hoạt động vui chơi, trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội khi cùng học, cùng chơi với bạn, đặc biệt trẻ đã có thể tiếp nhận cách ứng xử phù hợp chuẩn mực xã hội để hòa nhập với thế giới của người lớn. Trong giai đoạn mẫu giáo trẻ có thể tiếp cận với các kỹ năng lao động đơn giản như: sắp xếp đồ chơi, vật dụng cá nhân, phụ giúp người lớn làm việc nhà… Đồng thời đến lớp học để được tập luyện kỹ năng học tập ở bậc phổ thông sau đó.
Cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh càng sớm càng tốt, thông qua các hoạt động vui chơi, hạn chế xem tivi, khuyến khích đọc sách.
Ngoài các tác động thông minh, cha mẹ cần cung cấp cho con mình một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và học hỏi.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng
Trường ĐH Sư phạm TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét