Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Trang phục truyền thống: Sức hút mang tên kimono (P5)

Như bao trang phục truyền thống khác, kimono cũng tự hào vì nó đi theo nhiều bước thăng trầm của lịch sử, và vẫn ngự trị ở ngôi đầu trong văn hóa Nhật cho đến tận ngày hôm nay.

Kimono đã trở thành quốc phục Nhật Bản suốt hơn 1000 năm qua. Thực chất ban đầu kimono chỉ có tên gọi là Hòa Phục (nghĩa là danh từ chung chỉ quần áo Nhật Bản), nhưng trải qua thời gian với nhiều thay đổi, hiện giờ kimono trở thành tên gọi riêng quen thuộc và nổi tiếng khắp nơi trên toàn thế giới.
Kimono với vẻ đẹp từ truyền thống đến hiện đại.
Giống như quốc phục truyền thống khác, kimono được thiết kế để phù hợp cho cả nam và nữ giới. Phái nữ diện kimono với tần suất nhiều hơn, còn phái nam dùng kimono chủ yếu là trong các lễ cưới hỏi hoặc dự tiệc trà đạo. Cũng theo cách đó mà họa tiết trên kimono nữ có nhiều nét sặc sỡ, thiết kế diêm dúa trong khi kimono cho nam thường không có hoa văn và là các màu sẫm tối.
Họa tiết trên áo người phụ nữ thường có nhiều hoa văn sặc sỡ.
Trong khi nam giới chỉ dùng các màu sẫm tối, đơn giản.
Để phân loại kimono là việc không hề đơn giản. Sự phức tạp được miêu tả ở từng chi tiết thiết kế đến việc qui định màu sắc của bộ lễ phục này. Rồi tùy theo tiết trời, mùa, theo hình dạng cánh áo, theo sự trưởng thành về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, theo tính chất buổi lễ tham dự và cả sự phân hóa giàu nghèo kinh tế… mà người ta có thể nhận diện được kimono cho đúng hoàn cảnh, đúng tính tương xứng.
Trẻ con Nhật thường diện kimono màu sắc, đặc biệt là màu đỏ và cũng cầu kỳ
trong thiết kế không kém lễ phục của người lớn.
Căn cứ trên màu sắc, kiểu cách... người ta có thể
phân biệt cho đúng hoàn cảnh.
Kimono có thể miêu tả giản đơn nhất là gồm tám mảnh ghép quấn lại thành chiếc áo choàng ngoài. Người phụ nữ dùng một vành khăn rộng cuốn chặt vào người cùng với một số dây đai và dây buộc để cố định thật chặt. Kimono may gần như theo một kích thước chuẩn, cho phép điều chỉnh phù hợp cho từng tạng người và quan trọng nhất là có thể lưu lại cho nhiều đời sau này.
Một số phụ kiện không thể thiếu được của kimono đó là chiếc thắt lưng (gọi là Obi), một số dây thắt, đai nơ trang trí đằng sau lưng (cho nữ) và dây kaku, heko (cho nam). Bên cạnh đó là đôi guốc gỗ và tất Tabi trắng.
Phụ kiện là những chiếc đai thắt, dây nơ buộc lưng...
... cùng guốc gỗ và tất Tabi trắng không thể thiếu mỗi khi
bạn diện bộ đồ quốc phục này.
Kimono là một trang phục rất đặc biệt bởi ở đó có sự giao thoa hài hòa của vạn vật trời đất. Trên vải may kimono người ta thấy rất nhiều các họa tiết hoa lá, cây cối và một số biểu tượng thiên nhiên, điều đó phản ánh tình yêu thiên nhiên mãnh liệt của con người xứ Phù Tang.

Người dân Nhật dựa vào các đặc điểm khí hậu riêng của nước mình để biến tấu một chiếc áo kimono với khuôn mẫu như ngày nay. Bạn có thể mặc kimono cho thời tiết bốn mùa trong năm. Mùa đông diện kimono thì rất ấm và tránh gió, ngược lại kimono cho mùa hè lại thông thoáng và độ chống nóng cao.

Chất liệu làm nên bộ kimono cũng tương đối phong phú và biến đổi dần theo thời gian. Trước đây kimono truyền thống được may chủ yếu bằng loại vải dệt từ các nguyên liệu tự nhiên như bông, lụa, lanh nhưng còn khá thô sơ. Kimono hiện đại vẫn dựa trên nền chất liệu cũ tuy nhiên được cách tân ở dáng điệu cho trẻ trung, màu sắc cho sinh động, tươi mới.
Trên kimono có nhiều họa tiết cỏ cây, hoa lá thể hiện tình yêu
thiên nhiên của người dân Nhật.
Kiểu kimono cách tân rất "mốt" và đầy mới lạ.
Kimono được nhiều bạn bè quốc tế vô cùng yêu thích.
Kimono thường gắn với những hình ảnh mang tính biểu tượng
của Nhật như hoa anh đào...
... nghệ thuật uống và thưởng thức trà đạo
... và nghệ thuật cắm hoa Ikebana.
Người dân Nhật vốn rất nặng về văn hóa truyền thống cũng như coi trọng các phong tục lễ nghi. Với họ kimono là loại trang phục không thể thiếu và quan trọng số một. Họ diện kimono với niềm yêu thích, trên hết là sự tự hào, lòng tôn kính. Ngày nay người Nhật ít mặc kimono hơn trong đời sống hàng ngày mà chỉ sử dụng loại quốc phục này trong các dịp lễ đặc biệt. Nhưng có một điều chắc chắn là hầu hết ai đã là con dân nước Nhật thì họ đều có ít nhất một bộ kimono cho riêng mình.
Ngày nay người dân Nhật chủ yếu diện kimono trong dịp lễ
trọng đại như lễ cưới hỏi...
Phụ nữ vẫn dùng kimono như một trang phục không thể thiếu, nhưng nam giới
thì họ có thể dùng xen lẫn thời trang hiện đại.
Người Nhật rất coi trọng truyền thống lễ giáo nên việc Hoa hậu Nhật đã
cách tân bộ kimono một cách "hơi quá" khi tham dự HHHV 2009
ngay lập tức gây phản cảm và bị chỉ trích ghê gớm.
Kimono là sản phẩm mang tính giá trị nghệ thuật cao do sự cầu kỳ ở kiểu dáng cũng như sự tỉ mẩn trong khâu chọn vải, phối hợp màu sắc. Sáng tạo kimono thủ công và đơn chiếc đảm bảo mỗi tác phẩm là một công trình hết sức đặc biệt. Kimono đi suốt chiều dài lịch sử và những bộ kimono “nối nghiệp” trong các dòng họ luôn là giá trị truyền thống tốt đẹp với người dân Nhật. Các bậc ông bà, cha mẹ thường truyền lại kimono cho con cái mình như một tài sản gia truyền quí giá.
Kimono có sự truyền lưu và kế thừa từ đời này sang đời khác.
Nguyên Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét